-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Trà Sen Hồ Tây là một đặc sản ẩm thực của đất Thăng Long - Hà Nội. Trò chuyện với người phụ nữ Tràng An làm trà sen Hồ Tây để thấy yêu hơn những chén trà đậm hương sen Hồ Tây.
- Hoa sen Tây Hồ có gì đặc biệt để mà cùng với trà tạo thành thức quà trà sen Hồ Tây - đặc sản ẩm thực của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, thưa chị?
- Vâng, Hoa sen ở vùng Hồ Tây (Hà Nội) là loại hoa sen bách diệp có khoảng trăm cánh nở rất to, có màu hồng. Hoa sen có hương thơm bát ngát nhưng lại rất thanh tao và thoảng mùi ngọt nhẹ.
Sen Tây Hồ đang độ hàm tiếu
Sen Hồ Tây quý một phần nhờ vào đặc điểm thổ nhưỡng với lớp bùn đất màu mỡ, giàu chất dinh dưỡng; phần nữa nhờ Hồ Tây là một vùng thủy thổ nghìn năm rất linh thiêng. Có lẽ, chính vì thế mà sen Tây Hồ hấp thu rất nhiều linh khí của đất trời, nên đặc trưng hơn hẳn vùng khác.
Từ xưa đến giờ, người Hà Nội nhất thiết chỉ dùng sen Tây Hồ để ướp trà bởi lẽ đó. Trong sen Hồ Tây thì sen ở đầm Trị, ao Thuỷ Sứ ở làng Quảng An, đoạn gần phủ Tây Hồ là tuyệt vời nhất. Những bông sen sinh trưởng ở đây có cánh màu hồng phớt nhẹ, hương đậm nhưng không hắc, gạo sen to và dầy.
- Nhờ sen Hồ Tây, mà người Hà Nội tự hào về đặc sản trà sen Hồ Tây?
- Xưa nay, việc thưởng trà sen vẫn gắn liền với cái “phong cách ăn chơi” của người Thăng Long - Hà Nội. Đó là tao nhã, thanh lịch mà lại không quá cầu kỳ.
Thời xưa, hầu như chỉ có người danh gia vọng tộc, những gia đình quyền quý cao sang, tao nhân mặc khách mới có thú vui thưởng trà sen. Còn người bình dân coi trà sen là một thứ gì đó xa xỉ so với ấm trà xanh, vò nước vối… Tuy nhiên, khoảng mươi năm trở lại đây, trà sen đã trở nên bình dân hơn rất nhiều, phổ biến hơn nhiều. Lan tỏa đến công chức và người dân vùng lân cận Thủ đô và cả nước.
Trò chuyện với người phụ nữ làm trà sen Hồ Tây thật thú vị!
Có thể nói, nhắc đến nghệ thuật thưởng trà của người Hà Nội, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nghệ thuật ướp trà sen. Nghệ thuật ướp trà sen hội tụ đỉnh cao của sự tinh tế, phong cách tao nhã, thanh lịch và sành điệu của người Tràng An. Trong đó, bông sen là thứ hoa thông dụng nhất, quý nhất, ướp trà ngon nhất trong các loại trà ướp hoa.
Hoa sen được hái về ướp trà lúc lúc bình minh, khi ánh dương quang bắt đầu chiếu sáng. Đây là lúc sen mới chớm nở, có hương thơm đậm đà nhất. Sau đó được hoa sen tách lấy gạo sen. Cứ 1 lượt trà lại rắc một lượt gạo sen rồi đem đi ướp và sấy bằng than hoa hoặc cách thủy, cứ làm như vậy bảy, tám lần mới hoàn tất một mẻ trà.
Tính trung bình, hơn ngàn bông sen mới cho đủ lượng gạo sen để ướp một một cân trà. Trà sen đẫm văn hóa Hà Nội ở chỗ, những thức quà Hà Nội dù nhỏ bé, đơn giản, mộc mạc đấy nhưng chứa đựng rất nhiều tâm huyết cũng như bí quyết độc đáo để không thể trộn lẫn, không nơi nào có thể sánh được.
- Như chị trao đổi là cách làm trà ướp nhị sen, vậy còn trà ướp trong bông sen thì sao, thưa chị?
- Đúng vậy, còn một cách làm trà sen đơn giản hơn đó là làm trà sen xổi Hồ Tây, như cách mà tôi đang làm. “Trà sen xổi” là loại trà được ướp thẳng vào trong bông hoa sen tươi.
Trà sen xổi Hồ Tây có vị và hương riêng mà giá thành lại khá mềm so với sen ướp theo lối cổ. Chính nhờ điều này mà trà sen trở nên phổ biến hơn với các tầng lớp dân chúng Hà Nội, tạo ra xu hướng thưởng trà sen rộng khắp.
Chén trà sen Hồ Tây Minh Cường thơm ngon!
Về cách làm trà ướp trong bông sen tươi, chọn bông sen có búp lớn, đầu búp mới hé nở gọi là “hé miệng sáo”. Nghĩa là miệng hoa nở chúm chím như miệng người huýt sáo - để hương còn đượm, cánh hoa còn nguyên vẹn. Hoa sen phải được hái vào ngày nắng to để thu được hương thơm đậm nhất.
Sen hái về, phải đem ướp trà ngay, càng nhanh càng tốt, vì để càng lâu, hoa sen sẽ càng mất hương, khiến cho trà không được đậm hương sen. Thông thường, nhiều người hay dùng trà xanh Tân Cương Thái Nguyên để ướp trà sen xổi vì trà thành phẩm vừa ngon, lại vừa được nước.
Để trà sen xổi nguyên hương, không bị dính tạp mùi, trước khi ướp trà, người làm trà phải tắm gội sạch sẽ, không dùng dầu gội đầu hay sữa tắm, nước hoa. Cho trà ra bát sứ hoặc cho ra rá có lót lá sen, khẽ khàng gỡ cho cánh sen hé ra cho đến khi nhìn thấy gương sen.
Sau đó, dùng thìa tre hoặc gỗ xúc 15 - 20 gram trà nhẹ nhàng cho vào tận cùng của bông sen. Cho trà vào bông sen xong, phải vuốt nhẹ, dịu dàng như vuốt tay người tình để xếp lại từng lớp cánh hoa trở về hình dáng ban đầu. Lá sen cắt làm tư gói trọn bông hoa cho kín, dùng lạt buộc chặt lại.
Lạt phải được ngâm nước vì “lạt mềm mới buộc chặt”. Tuy nhiên, buộc lạt chặt vừa thôi, chứ chặt quá lá sen sẽ đứt, khiến bông sen trà bị xấu. Đã đẹp là phải đẹp từ trong ra ngoài thì mới gọi là tố hảo. Gói sen cũng phải gói sao vừa đủ ôm bông hoa và giữ kín, nhưng phải đủ chỗ cho sen “thở”.
Bông sen sau khi cho trà vào ướp và bọc kín bằng lá sen phải được cắm vào bình nước thêm 18 hoặc 24 giờ nữa, đặt ngoài hiên nhà cho ăn đẫm sương đêm, gió trời. Quá trình này giúp bông sen có thời gian để “thở” hết hương thơm vào trong từng sợi trà.
Một búp trà sen sổi Hà Nội hoàn hảo được đánh giá như thế nào? Khi ta mở lá sen gói bông sen ra, cánh sen phải vẫn còn sắc hơi hồng hoặc chuyển sang màu tím nhạt, và bốc lên hương sen thoang thoảng. Khi tách cánh sen ra, sẽ thấy trà hơi ẩm, lá trà nở lớn hơn so với trà thường.
Khi pha trà, nước trà phải trong veo, có màu xanh nhạt hoặc pha ánh vàng. Hương trà bay lên, phải nhận rõ được mùi hoa sen tươi. Nhấp vào miệng, thấy được vị chát ngọt, lưu luyến dư vị ngọt hậu, hương thơm của hoa sen thoang thoảng đọng trong khoang miệng, khoang mũi.
- Xin cảm chị, cuộc trò chuyện với người làm trà sen Hồ Tây thật thú vị!